Tiếp theo những Câu chuyện cuộc sống đã viết trước đây, phần thứ hai này xin gửi đến quý bạn đọc loạt sê-ri các câu chuyện về loài vật. Qua đó ta sẽ cảm nhận được một số kinh nghiệm trong việc đối nhân xử thế.
Xem thêm
>> Câu chuyện cuộc sống
>> Những lời dạy về cách sống, làm người của Khổng Tử
CHUYỆN CHÚ BÒ
Bò cày ruộng trở về, mệt quá nằm lăn ra đất nghỉ, thở phì phò. Chó đi ngang qua, thấy vậy bèn dừng lại hỏi han. Bò thở dài, nói:
- Anh bạn à, tôi thực sự mệt quá rồi. Ngày mai tôi không muốn ra đồng nữa, ở nhà nghỉ cho lại sức.
Hai con vật nói chuyện thêm một lúc rồi tạm biệt nhau. Trên đường, chó gặp mèo đang nằm vắt vẻo trên bờ tường. Chó nói:
- Này anh bạn, tôi vừa mới đi thăm bò. Anh ta than mệt, còn nói muốn nghỉ làm một ngày. Kể ra cũng tội, chủ nhân đúng là đã bắt anh ấy làm việc nhiều quá rồi.
Mèo quay người, nói với dê đang ăn cỏ gần đó rằng:
- Anh biết tin gì chưa? Bò trách chủ nhân bắt mình làm nhiều việc nên muốn nghỉ một ngày, mai không ra đồng nữa đấy.
Một lúc sau, dê gặp gà, liền nói:
- Bò không muốn làm việc cho chủ nhân nữa, chị gà mái ạ. Anh ta than là công việc nhiều quá, mệt quá. Hầy, cũng không biết những chủ trang trại khác đối xử với bò của mình có tốt hơn chủ nhân chúng ta không nữa.
Gà lại nói với lợn:
- Anh bò sắp nghỉ làm ở đây rồi. Anh ta muốn đi tìm chủ nhân khác. Ai bảo chủ nhân đối xử với anh ấy tệ quá, bắt làm bao nhiêu là việc, lại còn dùng roi đánh anh ta nữa.
Gà cảm thán vài câu rồi lại tót về chuồng. Một lúc sau, vợ ông chủ đi chuẩn bị cho các con vật ăn tối. Lợn liền lại gần, nói:
- Tôi muốn báo cáo lại với bà một chuyện. Dạo gần đây, bò hay có những suy nghĩ nổi loạn, rất cần phải được dạy bảo lại. Anh ta không muốn làm cho chủ nhân nữa, chê công việc ở đây nhiều quá, nặng quá, khiến anh ta mệt mỏi. Bò còn nói muốn bỏ đi, tìm một chủ nhân khác nữa đấy.
Nhận được phản ánh của lợn, trong bữa tối, bà chủ lập tức đem chuyện nói lại với chồng:
- Mình ơi, bò đang muốn tạo phản. Nó muốn đổi chủ, không làm cho mình nữa. Tội tạo phản không thể tha, mình định xử nó thế nào?
- Kẻ phản bội đều đáng tội chết, giết không tha! – Ông chủ nghiến răng, tức giận nói.
Vậy là con bò đáng thương suốt ngày chỉ biết làm việc quần quật, cuối cùng lại bị những lời truyền miệng sai sự thật giết chết như vậy đấy...
P/s: Câu chuyện về con bò tội nghiệp để lại cho chúng ta hai bài học đáng quý. Một là, đừng tùy ý than phiền với mọi người xung quanh. Bởi lẽ, những lời than phiền ấy sau khi bị nhiều người biến tấu có thể đem đến tai họa khó lường. Hai là, đừng dễ dàng tin những lời đồn đại chừng nào bạn chưa tự mình kiểm chứng. Đừng để sự cả tin khiến bạn đưa ra những quyết định sai lầm.
CHUYỆN CON CHÓ
Người đàn ông ra ngoài săn bắn, để con chó ở nhà trông chừng đứa bé. Khi ông trở về, nhìn thấy khắp sàn nhà toàn là máu, nhưng lại không thấy đứa bé đâu cả. Còn con chó thì vừa liếm máu tươi ở khóe miệng, vừa vẫy vẫy cái đuôi vui vẻ nhìn ông.
Người đàn ông nổi giận, liền rút con dao đâm mạnh vào bụng con chó. Con chó kêu thảm một tiếng, làm cho đứa trẻ đang ngủ say dưới tấm thảm loang lổ vết máu giật mình tỉnh dậy. Lúc này, người đàn ông kia mới phát hiện xác chết của một con cho sói đang nằm bên cạnh góc tường.
P/s: Rất nhiều sự việc mà bạn nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai, nhưng nó chưa chắc đã giống với những gì bạn nghĩ.
Trong những việc đối nhân xử thế, nên cho người ta có cơ hội để giải thích, và hãy nhẫn nại lắng nghe những lời giải thích của người ta. Có như vậy, cuộc đời chúng ta sẽ tránh được rất nhiều điều khiến ta phải hối tiếc về sau này.
Không hỏi, không nói, không giải thích đây không phải là thể hiện sự mạnh mẽ, hoặc cá tính mà nó chính là sự bất công, không có trách nhiệm với chính mình và những người khác.
"Mình không hỏi + bạn không nói = khoảng cách;
Mình hỏi rồi + bạn không trả lời = rời xa;
Mình hỏi + bạn trả lời = tôn trọng;
Mình muốn hỏi + bạn muốn nói = thấu hiểu nhau;
Mình chưa hỏi + bạn đã nói = tín nhiệm."
CHUYỆN CON BƯỚM
Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.
Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: “Thưa hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”
Hòa thượng hỏi lại: “Cược thế nào?”
“Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, – cậu thiếu niên trả lời.
Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán: “Con bướm trong tay cháu chết rồi.”
Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi.” Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.
Hòa thượng nói: “Được, gánh củi này thuộc về cháu.” Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.
Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà.
Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe.
Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông giơ tay tát con một cái, giọng giận dữ: “Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy.”
Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.
Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ.”
Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.
Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng.
Người cha thở dài, nói:
“Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao? Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.”
P/s: Câu chuyện có thể rất đơn giản nhưng đó là bài học cho chúng ta trong cuộc sống. Thắng, thua, thành, bại là những chuyện thường xuyên giày vò cuộc sống của con người. Có những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hề hay biết.
CHUYỆN HƯƠU CAO CỔ
Mỗi lần một chú hươu con ra đời đều là một bài học. Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng, như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay dưới đó. Sau vài phút, hươu mẹ làm một việc hết sức kỳ lạ, đó là đá vào người con mình cho đến khi nào nó chịu đứng dậy mới thôi
Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Cho đến khi thực sự đúng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để hươu con phải nỗ lực tự mình đứng dậy trên đôi chân còn non nớt
P/s: Điều này nghe có vẻ lạ với chúng ta, nhưng lại thực sự cần thiết cho hươu con bởi chúng phải tự đúng được để có thể tồn tại với bầy đàn, nếu không sẽ bị trơ trọi với cuộc đời và trở thành miếng mồi ngon cho thú dữ
Con người chúng ta cũng vậy, thật dễ nản chí khi mọi việc đều trở nên tồi tệ. Nhưng cho dù đang phải đối mặt với nhiều gian khổ thì ta vẫn phải giữ vững niềm tin. Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi ta phải đối mặt với nghịch cảnh, trong ta luôn có một sức mạnh tiềm ẩn
Đừng bao giờ để thất bại quật ngã mà hãy để nó trở thành "thầy" của chúng ta. Đây chính là bí quyết để thành công. Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng."Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi mỗi một nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ
"Thế giới không tồn tại sẵn những con đường, đường là do người ta đi nhiều mà thành
Nên bước trên con đường không giống người ta không có nghĩa là mình sai, họ đúng. Cuộc đời chỉ có những ai sống thuyết phục hơn thì số đông sẽ nghiêng về. Mà nhiều khi, người ta vì sợ cô độc mà chọn đứng về phía số đông chứ không hoàn toàn vì họ thích
Con người suy cho cùng vẫn chỉ là những kẻ yếu đuối cứ tự nhìn cái bóng của mình phản chiếu qua ánh mắt người khác rồi tự hỏi mình có làm mất lòng ai không, có lố bịch không thay vì tự hỏi, mình có hài lòng, có hạnh phúc không ?
CHUYỆN CON LỪA
Một ngày nọ, có một con lừa của người nông dân bị rơi xuống đáy giếng. Lừa khóc thảm thương vài giờ đồng hồ xin ông chủ cứu nó. Cuối cùng, người nông dân quyết định rằng con lừa đã quá già và cái giếng cũng cần được lấp đi, ông không cần phải cứu con lừa nữa.
Người nông dân kêu hàng xóm của ông đến và giúp một tay. Họ cầm xẻng và bắt đầu xúc đất đổ xuống giếng. Ban đầu, con lừa biết chuyện gì xảy ra và nó bắt đầu khóc vì tuyệt vọng. Nhưng sau đó mọi người ngạc nhiên vì nó bổng trở nên im lặng.
Một lúc sau người nông dân nhìn xuống giếng và ông ta không khỏi ngạc nhiên vì những gì đã xảy ra trước mắt. Với mỗi xẻng đất mà người ta hất xuống giếng, con lừa đã làm một việc thông minh, nó lay người để giũ cho đất và bùn rơi xuống chân và tiếp tục bước lên.
Với mỗi xúc đất của người dân hất xuống, con lừa lại rung mình và bước một bước lên trên đống đất. Chỉ sau một lúc, mọi người đều kinh ngạc vì con lừa đã lên được miệng giếng và vui vẻ thoát ra ngoài.
P/s: Cuộc sống có thể hất bùn đất lên bạn. Cách duy nhất để bước ra khỏi cái giếng của tuyệt vọng đó là hãy rũ bỏ khó khăn và tiếp tục bước lên. Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi vực thẳm bằng việc đừng bao giờ từ bỏ. Hãy vượt qua nó chứ đừng đầu hàng.
5 quy luật đơn giản để được hạnh phúc:
- Giải phóng trái tim khỏi sự thù hận - hãy tha thứ
- Giải phóng tâm trí khỏi những âu lo - hầu hết những điều bạn lo sợ đều sẽ không xảy ra.
- Hãy sống giản dị và trân trọng những gì bạn có trong tay
- Hãy cho đi nhiều hơn nữa
- Mong đợi ít hơn từ những người xung quanh nhưng nhiều hơn từ chính bản thân bạn. Bạn có 2 lựa chọn: Bạn có thể mỉm cười và quên câu chuyện trên, hoặc bạn cũng có thể chia sẻ bài học quý báu về cuộc sống này.
CHUYỆN CON RẮN
Một đêm một con rắn trong khi đang tìm kiếm thức ăn, bò vào một xưởng mộc.
Người thợ mộc vốn khá bừa bộn, đã để lại một số công cụ nằm trên sàn nhà trong số đó có một cái cưa.
Khi con rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nhỏ.
Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, nó quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu.
Điều này khiến con rắn rất tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã "chết rồi".
Sắp chết vì những vết thương của mình, con rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật mạnh trước khi bò đi. Sáng hôm sau, người thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình.
P/s: Đôi khi trong lúc cố gắng làm tổn thương người khác, chúng ta chỉ làm tổn thương chính mình mà thôi.
CHUYỆN CON RÙA
Có một cậu bé bắt được một con Rùa, và cậu ta cố tìm mọi cách làm cho con Rùa phải thò đầu ra, nhưng càng làm con Rùa càng thụt đầu vào, thậm chí những bàn chân của nó cũng thụt vào thật sâu. Tức qúa, cậu ta lấy một cái que, định chọt vào cái lỗ để cho con Rùa thò đầu ra.Thấy thế bố cậu ta đi đến và nói:"Hãy đưa nó cho bố, bố có cách làm cho nó thò đầu ra mà không gây đau đớn cho nó. "Thế rồi ông ta mang con Rùa lại gần lò sưởi, vuốt nhẹ lên mai của nó. Một lát sau, con Rùa thò đầu ra, rồi hai chân truớc cũng thò ra, cuối cùng là nó bò đi quanh nền nhà để cùng chơi với cậu bé.
P/s: Bạn thấy sao? Đừng cố tìm cách bắt người khác phải làm theo ý của mình, hay thậm chí cũng đừng nên dùng vũ lực để ep buộc họ.Cách tốt nhất là hãy vtrao cho họ hơi ấm, sự quan tâm và tình yêu thương thì khắc họ sẽ làm theo ý của mình.
CHUYỆN LOÀI KIẾN
1. Kiến không bỏ cuộc.
Đó là một triết lý đơn giản nhưng rất hữu hiệu.
Nếu một con kiến đang đi về một hướng nào đó, và chúng ta tìm cách chặn đường chúng, Kiến sẽ tức thì tìm cho mình một con đường khác. Chúng trèo qua chướng ngại, chui xuống dưới hoặc chui vòng sang bên hông. Chúng không ngừng tìm kiếm một giải pháp khác để vượt qua chướng ngại vật phía trước.
Quả là một triết lý gọn gàng và đơn giản:
" Không ngừng tìm kiếm hết cách này đến cách khác để tiến đến mục tiêu mà chúng ta nhắm tới.
2. Kiến luôn chuẩn bị cho mùa đông trong suốt mùa hè.
Đó là một góc nhìn nhận quan trọng.
Bạn không thể quá ngây ngô tin rằng nắng ấm sẽ kéo dài mãi mãi. Vì vậy Kiến làm việc chăm chỉ để tích lũy thức ăn cho mùa đông trong mùa hè. Một lời khuyên từ xa xưa đã dạy:
“ Đừng xây nhà trên cát vào mùa hè! ”
Tại sao chúng ta lại cần lời khuyên này?
Đơn giản là vì chúng ta cần tiên liệu trước.
Trong mùa hè nắng ấm, bạn phải tiên liệu được giá lạnh và mưa bão mùa đông!
3. Kiến luôn tin vào mùa hè trong suốt mùa đông!
Điều này rất quan trọng.
Trong suốt mùa đông giá rét, Kiến tự nhắc mình:
“ Mọi thứ sẽ sớm qua thôi, và chúng ta sẽ không phải cầm cự quá lâu!”.
Và ngày nắng ấm đầu tiên, những con Kiến lại lên đường.
Nếu trời lạnh trở lại, chúng sẽ lại chui vào hang, nhưng chúng sẽ quay trở lại ngay khi trời trở ấm!
Chúng không thể đợi để lại được làm việc!
4. Cuối cùng, Kiến sẽ tích lũy bao nhiêu lương thực trong mùa hè để chuẩn bị cho mùa đông ?
Câu trả lời là “ nhiều hết ga có thể ”.
Đây là một triết lý tuyệt vời, “ nhiều hết ga có thể ”!
Hãy học hỏi loài Kiến trong lần tiếp theo nếu bạn tự hỏi mình:
Tôi nên đọc bao nhiêu cuốn sách?
Tôi nên chạy bao xa? Tôi nên làm việc đến mức nào?
Tôi nên yêu thương đến mức nào?
Câu trả lời luôn là: “ Nhiều hết ga có thể! ”
Ngày hôm nay, dù các bạn đang ở trong mùa đông hay mùa hè, đang chiến đấu hay đang dưỡng sức.
Hãy nhớ về những chú Kiến và thừa hưởng sự khôn ngoan của chúng nhé!
Những triết lý rất giản dị đúng không?
Thành công cũng giản dị như vậy thôi:
*Không bỏ cuộc/ Tiên liệu trước,/ Luôn lạc quan và ../ Nhiều hết ga có thể!
CHUYỆN ĐÀN NGỖNG
Khi nhìn đàn ngỗng luôn tạo thành hình chữ "V" mỗi khi bay cùng nhau, bạn có thể sẽ thắc mắc rằng khoa học đã khám phá ra điều gì để giải thích tại sao chúng lại bay với đội hình như vậy.
Khi một con ngỗng vẫy cánh, nó sẽ tạo ra một lực nâng cho con ngỗng bay phía sau nó. Khi bay theo đội hình chữ " V" như thế, cả đàn sẽ được tiếp thêm ít nhất 71% sức mạnh hơn là khi từng con bay riêng lẻ.
Những ai biết cùng nhau chia sẻ mục tiêu chung và có tinh thần đoàn kết thì sẽ đến đích nhanh chóng và dễ dàng hơn vì họ đang đi cùng hướng với những người xung quanh.
Khi một con ngỗng bay lệch đội hình, nó sẽ phải một mình chống chọi với sức cản của gió, và nó sẽ nhanh chóng trở về đúng vị trí để nhận lực nâng từ con phía trước.
Nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa này, chúng ta sẽ luôn giữ vững đội hình với những ai đi cùng hướng với chúng ta.
Khi con ngỗng dẫn đầu đuối sức, nó sẽ quay trở lại phía sau đội hình để nhường chỗ cho con khác dẫn đầu.
Cũng như loài ngỗng, con người cần phải luân phiên nhau thực hiện những công việc đòi hỏi sự nỗ lực cao.
Những con phía sau sẽ phát tiếng kêu nhằm khuyến khích những con phía trước giữ vững tốc độ.
Khi bạn lùi về phía sau, bạn sẽ gởi thông điệp gì cho những người khác?
Điều cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là khi một con ngỗng bị ốm hoặc bị bắn trọng thương, không theo kịp đàn, hai con khác sẽ lập tức tách khỏi đội hình dìu nó xuống đất để giúp đỡ và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại với con ngỗng bị thương cho tới khi nào nó có thể bay được. Và nếu con ngỗng đó chết, hai con ngỗng kia sẽ bay một mình hoặc gia nhập với đàn ngỗng khác, để bắt kịp đàn của mình.
Nếu chúng ta có được tinh thần của đàn ngỗng, chúng ta sẽ là điểm tựa của nhau trong những tình huống khó khăn như thế.
Còn tiếp ...
(Nguồn sưu tầm từ internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét